EasyUni logo

EasyUni Sdn Bhd

Level 17, The Bousteador No.10, Jalan PJU 7/6, Mutiara Damansara 47800 Petaling Jaya, Selangor, Malaysia
4.4

(43) Google reviews

+60142521561

EasyUni Sdn Bhd

Level 17, The Bousteador No.10, Jalan PJU 7/6, Mutiara Damansara 47800 Petaling Jaya, Selangor, Malaysia
4.4

(43) Google reviews

Speak to Study Advisor

Đừng hỏi lớn lên con muốn làm gì!

September 06, 2019

Kate

Người viết bài này cũng từng nghĩ đây là câu hỏi vô hại, giúp ta làm quen với trẻ, cho đến khi đọc được bài viết của Adam Grant, một nhà tâm lý học của Trường Wharton đăng trên tờ New York Times. Adam Grant khuyên đừng nên hỏi trẻ như thế nữa vì câu hỏi này sẽ ràng buộc chúng định hình mình bằng nghề nghiệp sẽ làm.

Đừng hỏi lớn lên con muốn làm gì - Ảnh 1.

Tác giả kể lúc nhỏ anh sợ câu hỏi này nhất vì anh không có câu trả lời làm hài lòng mọi người. Ai nấy đều tỏ vẻ thất vọng khi anh không mơ làm những nghề cao sang hay dũng cảm như đạo diễn phim ảnh hay phi hành gia.

Với câu hỏi này, ít ai chấp nhận câu trả lời: con muốn làm bố, con muốn làm mẹ, hay đơn giản hơn, con muốn làm người liêm khiết! Hỏi trẻ và chờ đợi chúng trả lời muốn làm một nghề nào đó, hóa ra giá trị của một con người phụ thuộc vào công việc và sự thành đạt của người đó trên cuộc đời này?

Tác giả nói đúng. Cứ thử hình dung hai tình huống, khi trẻ con trả lời: "Con muốn làm bác sĩ", ắt ta sẽ gật gù khen giỏi. Còn nếu trẻ trả lời: "Con muốn chạy Grab" (rất có thể vì bé vừa gặp một chú chạy Grab vui tính, dễ chịu), có lẽ ai nấy đều chưng hửng và gượng gạo cười cho qua.

Nhưng một tay bác sĩ chuyên vòi tiền bệnh nhân thì liệu có đáng ngưỡng mộ bằng anh chạy Grab biết giúp đỡ người nghèo? Nghề nghiệp không làm nên con người; tính cách mới là điều quan trọng. Trẻ học được tính tốt bụng của anh Grab cũng tốt như ấn tượng về một vị bác sĩ đầy quyền uy.

Điều kiện hóa trẻ sẽ làm gì khi lớn lên cũng ép trẻ dính cứng vào một nghề nào đó. Rồi khi chọn trường, chọn môn, dưới áp lực của bố mẹ, bố mẹ lại chịu áp lực của những người xung quanh, rất có thể trẻ sẽ chọn sai nghề yêu thích. Thực tế ít ai làm đúng nghề được học và thường cũng trải qua dăm ba nghề trước khi định hình một công việc thích hợp suốt đời.

Hỏi trẻ sau này lớn lên con muốn làm gì, trẻ dễ chọn những nghề có ánh hào quang bao quanh như diễn viên điện ảnh hay ca sĩ hạng A. Nhưng sự đời tài năng của đa số là có hạn nên giả dụ về sau trẻ không làm được việc trẻ yêu thích, ngưỡng mộ, rất dễ trở thành con người ôm cảm giác thất bại trong đời, trong khi thật ra cuộc sống của đứa trẻ ưa mơ mộng ngày xưa vẫn ổn.

Adam Grant kể câu chuyện diễn viên hài Chris Rock một hôm nghe cô hiệu trưởng nói chuyện với học sinh ngày khai trường, rằng các em có thể trở thành bất cứ ai các em muốn.

Chris Rock bèn hỏi vặn lại: "Thưa cô, sao cô nỡ lòng nào nói dối các em? Có thể trong hơn 2.000 học sinh hôm nay, có 4 em sau này muốn làm gì cũng được nhưng 2.000 em còn lại nên học tốt một nghề nào đó đi. Nói cho bọn trẻ sự thật đi. Giỏi cái gì thì mới làm được cái đó - và còn chuyện người ta có đang tuyển dụng không nữa chứ".

Nghề nghiệp chúng ta theo đuổi thường khác xa giấc mơ "lớn lên làm gì" hồi nhỏ. Sinh viên ra trường ngồi mơ mộng nghề hay ho mà họ muốn theo đuổi sẽ bị stress nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn so với sinh viên để nghề chọn họ.

Tim Urban, người đồng sáng lập trang web "Wait But Why", cho rằng "hạnh phúc" bằng "thực tế" trừ "kỳ vọng". Tức là nếu thực tế của một ai đó tốt hơn điều họ kỳ vọng, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và ngược lại, kỳ vọng cao hơn thực tế, người ấy sẽ không còn chút xíu hạnh phúc nào cả.

Một nghiên cứu cũng cho thấy ai tốt nghiệp đại học vào thời buổi suy thoái sẽ thấy thỏa mãn với công việc 30 năm sau hơn; đó là bởi họ không kỳ vọng sẽ kiếm được việc làm trong thời buổi khó khăn ấy!

Thật ra nói như tác giả cũng không hẳn là đúng. Cứ kỳ vọng thấp hơn nữa, thấp thêm chút nữa sẽ dễ hạnh phúc hơn - cứ thế con người cuối cùng xuôi tay cho số phận? Tuổi trẻ thường gắn liền với hoài bão, ước mơ làm điều phi thường. Tước mất của tuổi trẻ sự kỳ vọng đó thì liệu hạnh phúc theo nghĩa yên phận có còn bao ý nghĩa.

Tuy nhiên, cảnh báo của tác giả, đừng hỏi trẻ sau này lớn lên muốn làm gì nữa, là đáng lưu ý, vì có thể vô tình gây sức ép ở trẻ, một sức ép không đáng có.

Trẻ cứ thoải mái bay nhảy với ý nghĩ, hôm nay thích lớn lên làm lính cứu hỏa, ngày mai thích lớn lên dẫn cô bạn láng giềng đi dạo khắp thế giới bao la này. Chúng lớn lên thành con người như thế nào quan trọng hơn lớn lên chúng chọn nghề nào để làm.

Kickstart your education in Malaysia

We'll help you find and apply for your dream university

Advertisement
Advertisement

This website uses cookies to ensure you get the best experience. By using this site, you acknowledge that you have read and understand our Cookie Policy , Privacy Statement and Terms & Conditions .

Maximum 6 courses for comparison!

Chat on WhatsApp

Courses selected for comparison